Công ty cổ phần môi trường đô thị Quảng Ngãihttps://moitruongdothiquangngai.com.vn/uploads/banner_mqn_1.jpg
Thứ bảy - 07/08/2021 16:16
[TN&MT] - Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, công tác thu gom, xử lý triệt để rác thải và đúng quy trình được chú trọng hơn bao giờ hết, bởi rác thải bất cứ lúc nào cũng có thể là trung gian lây bệnh.
Lo ngại khối lượng chất thải tăng mỗi ngày
Từ ngày 26/6/2021 đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 334 ca mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 175 bệnh nhân. Hiện Quảng Ngãi đang thực hiện cách ly y tế tập trung gần 8.000 người tại các cơ sở cách ly. Địa phương đang phải đối mặt với khối lượng rác thải sinh hoạt và rác thải y tế rất lớn từ các khu cách ly tập trung và các cơ sở y tế. Do đó, công tác thu gom, xử lý chất thải nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh gặp nhiều áp lực.
Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi, từ khi dịch COVID -19 bùng phát trở lại, khối lượng rác thải y tế và rác thải ở các khu cách ly thu về tăng cao từ 1.200 -1.300kg mỗi ngày, trong khi công suất xử lý của nhà máy chỉ có 605kg/ngày, vì thế nhà máy phải tăng ca 3, thực hiện xử lý 24/24 giờ.
Đồng thời, công ty cũng phải huy động thêm lực lượng với 13 công nhân môi trường đi tuyến đầu buộc phải hoạt động 24/24h, thường xuyên vận chuyển rác thải y tế, rác thải ở các khu cách ly từ 6-7 chuyến/ngày tại 25 cơ sở y tế và 14 khu cách ly, đảm bảo việc xử lý rác thải được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng rác, gây nguy cơ lây nhiễm chéo.
Không chỉ tăng cường độ làm việc, công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi cũng thực hiện “tự cách ly” bản thân bằng cách ăn, nghỉ và làm việc tập trung tại khu nhà nghỉ của Nhà máy xử lý rác y tế Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) để đảm bảo an toàn.
Anh Dương Sinh, công nhân bộ phận xử lý rác thải y tế, rác thải khu cách ly thuộc Xí nghiệp thi công môi trường đô thị, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi chia sẻ: Công việc hàng ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng và thường kết thúc gần 20 giờ tối. Thế nhưng khi tham gia thu gom rác mùa dịch, anh xác định chỉ nghỉ khi hết việc chứ không có khái niệm hết giờ. Bởi nếu rác thông thường nếu không thu gom kịp có thể du di. Riêng rác thải từ bệnh viện, khu cách ly nhất định phải thu gom và xử lý trong ngày, không thể chậm trễ.
“Thú thật đi làm cũng lo nhỡ đâu trong một giây phút run rủi nào đó, con virus mang tên SARS-CoV-2 bám vào người. Nhưng mình tự trấn an bản thân mỗi người mỗi việc, ai cũng lo nhiễm bệnh thì lấy ai thu gom, xử lý. Càng lo mình càng cẩn trọng hơn. Sau một lần thu gom rác từ bệnh viện, khu cách ly ra, tôi cởi bỏ ngay bộ đồ bảo hộ cũ, thay bằng bộ mới để tiếp tục hành trình. Nước sát khuẩn lúc nào cũng ướt đẫm tay. Khẩu trang, kính bảo hộ luôn bưng kín mặt.”- anh Sinh cho hay.
Đảm bảo quy trình khép kín
Theo tìm hiểu của PV, trước khi bắt đầu ra khỏi khu vực nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ, các xe thu gom rác đều được phun khử khuẩn. Các công nhân thu gom cũng được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ y tế như: găng tay y tế, khẩu trang, kính chống giọt bắn, quần áo mưa bảo hộ, nước rửa tay sát khuẩn…. Bộ phận giám sát sẽ mở sổ theo dõi để ghi chép chi tiết danh sách các nhân viên làm việc trong ca và thông báo cho bộ phận thu gom kế hoạch các điểm lấy rác trong ngày để nắm bắt nhật trình làm việc.
Tại các khu cách ly, cơ sở y tế, bộ phận thu gom tiếp tục thực hiện phun khử khuẩn rác bằng dung dịch Cloramin B với thiết bị bình phun mang theo xe, sau đó được cân và ghi chép khối lượng cụ thể vào sổ sách với đơn vị bàn giao rồi mới tiếp nhận rác cho lên xe chuyên dụng. Kết thúc công tác nhận rác tại một điểm cách ly, toàn bộ công nhân thu gom đều thay thế mới các thiết bị bảo hộ nhằm đảm bảo hạn chế việc lây lan dịch bệnh khi thực thi nhiệm vụ.
Khi xe thu gom rác về đến Nhà máy xử lý rác y tế xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) cũng tiếp tục phun khử khuẩn toàn bộ thân vỏ xe và tất cả các thùng rác thu gom trước khi nhập rác vào Nhà máy. Bộ phận tiếp nhận rác sẽ tiền hành cân kiểm tra lại toàn bộ khối lượng rác thu gom và ghi vào sổ riêng để đối chiếu theo dõi. Sau đó, rác được các công nhân phân loại và đưa vào lò hấp để xử lý theo đúng quy trình vận hành.
Theo bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi), trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc quản lý, xử lý rác thải, chất thải y tế nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh COVID-19.
Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm tại các Bệnh viện, Trung tâm y tế, cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly tập trung đảm bảo các loại chất thải này được phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn theo quy định.
Tại các Bệnh viện, Trung tâm y tế, cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly nghiêm túc đảm bảo bố trí đầy đủ các thùng chứa chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly tập trung; tổ chức phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn theo quy định.
“Hiện nay, các tuyến thu gom, vận chuyển, tập kết rác thải được “cân lại” lực lượng, phương tiện, chia theo từng khung giờ cụ thể và tuân thủ quy định 5K trong phòng chống dịch. Công ty cũng đã thực hiện xét nghiệm PCR cho toàn bộ hơn 600 nhân viên công ty, đồng thời 90% người lao động đã được tiêm phòng vắc-xin Covid-19.” - bà Nguyễn Thị Thu Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi cho hay